Apple đã phát động cuộc chiến pháp lý với Qualcomm được nhiều tháng, dẫn đến hàng loạt các vụ kiện tụng ở nhiều nước. Đây không chỉ đơn giản là việc tranh chấp giữa hai công ty Mỹ, mà còn về mô hình cấp phép sở hữu trí tuệ (intellectual property: IP) và phí giấy phép liên quan của toàn bộ ngành công nghiệp không dây. Sâu xa hơn, cuộc chiến này có ảnh hưởng đến mức đầu tư cho công nghệ mới của các công ty nghiên cứu.
Cuộc chiến mà Qualcomm đang phải đối mặt, kết quả sẽ ảnh hưởng tới cả ngành công nghiệp. Họ không phải đối thủ pháp lý đầu tiên và cuối cùng mà Apple nhắm đến. Là một công ty dẫn đầu về các sáng kiến công nghệ và kho sở hữu trí tuệ lớn mạnh, Qualcomm cũng như nhiều công ty có hoạt động kinh doanh bằng sáng chế, xem đây như một loại tài sản độc quyền và dựng lên hàng rào pháp lý để ngăn chặn mọi hành vi sử dụng trái phép. Trong trường hợp vi phạm được chứng minh, họ có quyền yêu cầu bồi thường và trừng phạt kẻ xâm phạm.
Nhưng nếu đạt được thỏa thuận, chủ sở hữu IP cho phép công ty kia được sử dụng nó mà không phải đền bù. Đây là nguyên tắc căn bản để xây dựng nên tiêu chuẩn phần cứng hoặc phần mềm mã nguồn mở. Và với một số trường hợp khác, chủ sở hữu chọn cấp phép cho một phần cụ thể trong chuỗi giá trị, hoặc thậm chí là cả chuỗi giá trị.
Đối với ngành bán dẫn, sở hữu trí tuệ thường được cấp phép cho các hãng bán dẫn. Tuy nhiên, với ngành công nghiệp không dây, IP được chuyển tới cho ODM hoặc OEM, là những công ty sản xuất thiết bị đầu cuối đến tay người tiêu dùng. Ví dụ Apple, Samsung hay Sony là các OEM, hoặc ODM như Hisense, HTC (trong hợp đồng gia công điện thoại Pixel cho Google).
Nếu bạn nghĩ mô hình cấp phép này do Qualcomm tiên phong thì bạn đã nhầm! Những cái tên lừng lẫy một thời là Nokia, Motorola và Ericsson mới là kẻ đặt nền móng trong việc cấp phép. Ngành công nghệ liên tục thay đổi kể từ thời kì đầu của kết nối không dây, còn mô hình này đã kích thích sự đổi mới bùng nổ chưa từng có.
Ở thời kì đầu của điện thoại, “gã khổng lồ” Texas Instruments (Mỹ) là kẻ dẫn đầu về nền tảng di động SoC, sau đó ngày càng nhiều công ty bán dẫn “nhảy” vào thị trường. Qua thời gian, các công ty như Intel, Freescale, Nvidia và cả Texas Instruments đều rời bỏ lĩnh vực này. Và bây giờ là sự xuất hiện của những hãng sản xuất SoC như MediaTek và một số công ty Trung Quốc khác. Bản thân các OEM như Samsung, Huawei và Apple cũng tự mình thiết kế SoC những năm gần đây.
Cũng trong khoảng thời gian phát triển đó, các nền tảng SoC vốn chỉ dành cho thiết bị di động đã trở nên mạnh mẽ tiệm cận hiệu suất của chip xử lí máy tính, giao tiếp không dây đã bắt kịp hoặc vượt qua cả có dây. Nhờ được tích hợp nhiều công nghệ cũng như phần cứng mạnh mẽ, smartphone trở thành công cụ chính để chụp hình, quay phim, xem video, mạng xã hội,… Số lượng smartphone hoạt động giờ đã vượt qua cả dân số toàn cầu. Đây đều là những kết quả trực tiếp dẫn đến bởi mô hình cấp phép IP độc đáo ở trên.
Và Apple cũng được hưởng lợi rất nhiều từ mô hình này. Trong khi công ty thường được xem là một nhà sáng tạo đột phá, đặc biệt là về phần cứng và nền tảng như iPhone hay iOS, họ thực chất chỉ là kẻ đến sau ở thị trường smartphone, cũng như không tự có cho mình công nghệ không dây riêng. Tuy nhiên, Táo Khuyết cũng giống nhiều hãng công nghệ khác, thích kiểm soát toàn bộ những công nghệ mà họ đang sử dụng. Ở Silicon, người ta hay gọi đó là hội chứng “not-invented-here”, khi mà đối tượng trở nên tự tin thái quá vào bản thân, chỉ xem trọng sáng kiến của mình mà không thèm đếm xỉa đến bên ngoài, chỉ muốn tự làm. Thời gian trôi qua, “kẻ tụt hậu” Apple đã tích cực mua lại IP cũng như các công nghệ mới, tuy nhiên không thể trở thành người đóng góp cốt cán cho phần trọng tâm của ngành công nghiệp không dây.
Công nghệ cốt lõi này được cấp phép tới các hãng sản xuất thiết bị và gọi chung là những bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (standard essential patent: SEP), ngoài ra cũng còn hàng triệu các bằng sáng chế khác tuy không phải thiết yếu nhưng có góp phần vào hình thái, chức năng của smartphone. Những người nắm giữ kho sở hữu trí tuệ bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (SEP IP) tiến hành cấp phép dựa trên các điều khoản công bằng, hợp lý, không phân biệt đối xử (FRAND).
Tuy nhiên vì doanh số iPhone quá khổng lồ, nó chiếm đến hơn 200 triệu USD lợi nhuận trong doanh thu hàng năm. Apple tìm cách thay đổi điều đó bằng cách khiếu nại với các cơ quan quản lý trên khắp thế giới, yêu cầu chuyển việc cấp phép IP bán dẫn đến các nhà cung ứng chip, thay vì OEM như họ (Apple không phải công ty duy nhất muốn vậy).
Điều này có thể đẩy tất cả các chủ sở hữu IP cấp phép trực tiếp cho từng bộ phận cụ thể trong chuỗi giá trị tạo nên chiếc smartphone, thay vì chỉ tính cho hãng phần cứng cuối cùng như hiện nay. Thay đổi mô hình cấp phép, phí giấy phép sẽ tác động to lớn tới ngành công nghiệp không dây.
Phí giấy phép được thiết lập bởi thị trường và biến đổi theo thị trường. Bằng cách ép cơ quản lý giảm phí cho Apple, phần còn lại của ngành công nghiệp có thể bị ảnh hưởng nặng nề tới việc đầu tư cho R&D.
Tương tự, thay đổi mô hình cấp phép cũng sẽ làm “náo loạn” các công ty kinh doanh bằng sáng chế. Nếu họ chuyển sang cấp phép cho từng phần của chuỗi giá trị, một mặt khiến chi phí trung bình của smartphone tăng lên gấp vài lần so với hiện nay, mặt khác làm các công ty mới khó có cơ hội chen chân vào chuỗi vì phải gánh thêm chi phí. Điều này dẫn đến giảm sự đổi mới, khiến khách hàng phải chi thêm nhiều tiền, giảm sự cạnh tranh trên thị trường, các công nghệ mới khó thương mại lên sản phẩm hơn.
Cuộc chiến giữa Qualcomm và Apple sẽ còn kéo dài và hao tốn tiền của, thời gian của cả hai. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để ta có thể kết luận tương lai của ngành công nghiệp không dây, rất khó đoán điều gì sẽ đến trong tương lai sau cuộc tranh chấp này.
Leave a Comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *